Nhà Bạch công tử - Lê Công Phước
28/03/2019

Trải qua gần 100 năm tồn tại, ngôi nhà của Bạch công tử được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật mang phong cách Châu Âu và cũng là một trong những ngôi nhà cổ độc đáo tại Thành phố Mỹ Tho.

Ngôi nhà của Bạch Công tử được xây dựng vào năm 1925 - 1926 với tổng diện tích 322 m2 trên một khu đất rộng hơn 4.000 m2, xung quanh có vườn cây ăn trái. Sau năm 1975, ngôi nhà của Bạch Công tử được sử dụng làm trụ sở UBND Phường 3, đến năm 1990 Phòng VH-TT TP.Mỹ Tho tiếp nhận và tiếp tục sử dụng làm trụ sở. Nay là địa chỉ số 62 đường Đinh Bộ Lĩnh thuộc phường 3, thành phố Mỹ Tho. Gần đây, trong khuôn viên ngôi nhà còn được xây thêm một hội trường hoành tráng ở phía sau, cùng với dãy nhà 2 tầng dùng làm trụ sở Trung tâm văn hóa Mỹ Tho và Phòng VH-TT TP.Mỹ Tho ở bên cạnh.

Di tích lịch sử - văn hóa:    Nhà Bạch công tử

...................................

 

Trải qua gần 100 năm tồn tại, ngôi nhà của Bạch công tử được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật mang phong cách Châu Âu và cũng là một trong những ngôi nhà cổ độc đáo tại Thành phố Mỹ Tho.

Ngôi nhà của Bạch Công tử được xây dựng vào năm 1925 - 1926 với tổng diện tích 322 m2 trên một khu đất rộng hơn 4.000 m2, xung quanh có vườn cây ăn trái. Sau năm 1975, ngôi nhà của Bạch Công tử được sử dụng làm trụ sở UBND Phường 3, đến năm 1990 Phòng VH-TT TP.Mỹ Tho tiếp nhận và tiếp tục sử dụng làm trụ sở. Nay là địa chỉ số 62 đường Đinh Bộ Lĩnh thuộc phường 3, thành phố Mỹ Tho. Gần đây, trong khuôn viên ngôi nhà còn được xây thêm một hội trường hoành tráng ở phía sau, cùng với dãy nhà 2 tầng dùng làm trụ sở Trung tâm văn hóa Mỹ Tho và Phòng VH-TT TP.Mỹ Tho ở bên cạnh.


Nhà Bạch công tử

Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước, thường gọi là Tư Phước hay George Phước (1895 – 1950). George Phước là con trai thứ tư của Đốc phủ Lê Công Sủng, người ở làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho xưa, nay thuộc phường 3, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Sinh thời, ông nổi danh giàu có, là “ông hoàng ăn chơi” khắp Nam kỳ lục tỉnh những năm đầu thế kỷ 20. Người đời đặt biệt danh “Bạch công tử” cho ông là để phân biệt với “Hắc công tử” Trần Trinh Huy (hay Công tử Bạc Liêu). Và cũng bởi, George Phước có nước da trắng trẻo, thư sinh, phong thái luôn ung dung, đĩnh đạc. Do được đi du học bên Pháp nên căn nhà của ông được xây theo kiến trúc đậm nét phương Tây

Về kiến trúc, ngôi nhà được xây theo kiểu biệt thự mang phong cách kiến trúc Roman Châu Âu – một công trình kiến trúc đặc trưng của những gia đình giàu có vào đầu thế kỷ 20. Về kết cấu vật liệu toàn bộ ngôi nhà Bạch Công tử trước đây được kết cấu bằng chất liệu truyền thống như gạch đinh, gỗ, đá…Hiện nay, các hệ thống đỡ mái, đều làm bằng bê tông, gỗ và thép, bó nền bằng gạch thẻ thức 20cm x 07cm x 15cm ốp đá kiểu da quy, cao 40cm so với mặt đất, lót gạch bông thức 20cm x 20cm, tường dầy 20cm, chất kết dính trước đây bằng ô dước. Mặt ngoài tường tô xi măng láng quét vôi. Mái của ngôi nhà lợp bằng ngía vảy cá gồm 08 bờ mái. Trên bờ nóc trang trí hình tupa và 08 bờ mái đều gắn hình bồ câu bằng xi măng. Đỡ mái nhà là hệ thống cột bê tông âm trong tường. Hệ thống kèo, xiên, trính của ngôi nhà được làm bằng gỗ.

Mặt tiền ngôi nhà, là mặt dựng gồm 04 cột vuông cao 05m kiểu xây gạch, khoảng cách giữa hai cột hai bên là 60cm. Cửa vào lọt lòng 180cm, mi vòm cao 330cm, cửa vòm hai bên cao 270cm, rộng 140cm, hai cột tròn hai bên có đường kính 30cm. Tất cả các đầu cột đều ốp hoa văn đắp nổi. Mặt trước gồm 12 cột. Gian giữa gồm 06 cột tròn, hai gian hai bên mỗi bên 03 cột vuông và hai mái thảo bạt lợp ngói vảy cá để che cửa sổ hai gian hai bên đầu cột đều ốp hoa văn rất đẹp.  

Bên trong ngôi nhà có sáu phòng, ngay gian chính diện là bức hình Bạch công tử. Phần trần, các chi tiết cột nhà đều đươc chạm trổ tinh xảo. Đặc biệt, trên vách tường ở gian tiền sảnh là bốn bức tranh tường đối diện nhau. Mỗi bức có kích thước 2,4 m2 hiện đã lu mờ, mất hết chi tiết, màu sắc, vì bị cạo sửa, sơn phết chồng lên sau những lần sửa nhà. Những bức tranh chạm hình chim muông, hoa lá, cảnh quan miền sông nước...

Bên trong gian chính với tranh tường và di ảnh Bạch công tử

Một gian được treo rạp hát mang tên Huỳnh Kỳ do ông mở ra năm 1926, rạp hát được xây sát ngôi nhà. Ông Lê Công Phước là người mê cải lương và có học về nghệ thuật sân khấu nên đã cùng với ông Nguyễn Ngọc Cương lập gánh hát Phước Cương để vừa kinh doanh vừa để lấy tiếng. Thế nhưng chỉ khoảng một năm sau thì Bạch công tử tách ra thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ, gánh hát của ông quy tụ nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ như Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu.., trong đó có nghệ sĩ tài danh Phùng Há, được Bạch công Tử lấy làm vợ. Theo nhiều tài liệu ghi lại thì đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng lục tỉnh Nam kỳ, sau đó Bạch công tử đầu tư tiền của xây dựng rạp hát Huỳnh Kỳ bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho vào năm 1928 và sắm bốn chiếc thuyền lớn chạy bằng máy được trang bị đầy đủ để đi lưu diễn khắp nơi. Vở tuồng ăn khách nhất của gánh Huỳnh Kỳ lúc bấy giờ là “ Giọt máu chung tình” do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ và Phùng Há vai Bạch Thu Hà, “Trần Hưng Đạo Bình Nguyên”, “Người Đàn Bà Không Tên”, “Kim Tinh Nương Xuất Thế”, “Tình Chung Tình”… Bạch Công tử Lê Công Phước là người hết lòng với nghệ thuật cải lương là người có công đối với nghệ thuật cải lương Nam bộ. Ông đã góp phần giúp nghệ thuật cải lương nói chung và gánh hát Huỳnh Kỳ lúc bấy giờ nói riêng đạt đến thời hoàng kim trong những năm đầu thế kỷ 20.

 

Ảnh rạp hát Huỳnh kỳ (sau đổi tên là Viễn Trường)

 

Những vỡ tuồng thu hút người xem thời đó

        Giữa thập niên 30 thế kỷ 20, gánh hát Huỳnh Kỳ tan rã do Bạch Công tử làm ăn thua lỗ. Bạch Công Tử đành bán ngôi nhà và rạp hát cải lương cho ông Lê Ngọc Chiếu. Ông Lê Ngọc Chiếu đặt tên là Lê Ngọc.

         Năm 1963, ông Lê Ngọc Chiếu bán rạp hát cho một người khác chưa rõ tên, rạp được đổi tên là rạp Viễn Trường. Sau năm 1975, rạp mang tên là rạp Mỹ Tho. Khoảng năm 2008, rạp sửa chữa lại và thay đổi mục đích sử dụng làm siêu thị sách .

Trong cơn hoạn nạn ông đã được nhiều người bạn dang tay cưu mang, chạy chữa bệnh cho ông. Nhưng do bệnh tình quá nặng mà không có tiền nên được ông Nguyễn Hoàng Phi là anh em kết nghĩa với Bạch Công tử cưu mang. Bạch Công tử qua đời ở tuổi 55, hiện nay phần mộ của ông đặt tại xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang và được gia đình ông Phi chăm sóc mộ phần và cúng giỗ mỗi năm.

 Năm 2016, tỉnh Tiền Giang có quyết định xếp hạng nhà Bạch công tử là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Tiền Giang sẽ phối hợp TP. Mỹ Tho đề xuất bổ sung thêm các hiện vật bên trong như bàn ghế, đèn chùm, bộ trường kỷ... cùng thời với Bạch công tử để đưa vào quảng bá phục vụ du lịch.

 

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc sở VH-TT&DL trao Bằng công nhận Di tích Nhà Bạch Công Tử cho lãnh dạo Trung tâm Văn hoá TP. Mỹ Tho

Hiện nay Ủy ban nhân dân thành phố Mỹ Tho, Phòng Văn hóa thông tin thành phố Mỹ Tho đang cho phục dựng lại các tiểu cảnh, trồng thêm cây xanh ở hai bên và phía trước nhà Bạch công tử cho phù hợp bối cảnh cùng thời của ông để thu hút khách du lịch.

 

Các bối cảnh đang trong giai đoạn thi công.

                       Kim Loan