Chùa Vĩnh Tràng -Ngôi chùa mang vẻ đẹp kết hợp nét kiến trúc giữa phương Đông và phương Tây
28/03/2019

Chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo mang  đậm nét Á- Âu, đây là ngôi chùa nổi tiếng ở Nam Bộ được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, và là một điểm hành hương, du lịch nổi tiếng của du khách trong và ngoài nước.

Chùa tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Từ thành phố Hồ Chí Minh, bạn đi theo hướng quốc lộ 1A đến trung tâm thành phố Mỹ Tho. Sau đó đi theo hướng tỉnh lộ 879 khoảng 3km, đến công viên Vĩnh Tràng, sau đó rẽ trái khoảng 300m là đến chùa Vĩnh Tràng.

Địa điểm du lịch: Chùa Vĩnh Tràng  -Ngôi chùa mang vẻ đẹp kết hợp nét kiến trúc giữa phương Đông và phương Tây

*******************

  Chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo mang  đậm nét Á- Âu, đây là ngôi chùa nổi tiếng ở Nam Bộ được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, và là một điểm hành hương, du lịch nổi tiếng của du khách trong và ngoài nước.

Chùa tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Từ thành phố Hồ Chí Minh, bạn đi theo hướng quốc lộ 1A đến trung tâm thành phố Mỹ Tho. Sau đó đi theo hướng tỉnh lộ 879 khoảng 3km, đến công viên Vĩnh Tràng, sau đó rẽ trái khoảng 300m là đến chùa Vĩnh Tràng.

Vào đầu thế kỷ 19, dưới triều vua Minh Mạng chùa được Quan Tri huyện  Bùi Công Đạt xây dựng để tu hành. Năm 1849, sau khi ông Đạt quy tiên, Hòa  thượng Thích Huệ Đăng trụ trì đã tu bổ xây dựng thành ngôi đại tự, trải qua nhiều đời truyền thừa, chùaVĩnh Tràng ngày càng rộng lớn và  uy nghiêm.

 

 

Chùa được nhiều du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái

 

Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo lối kiến trúc tổng hợp, giao thoa giữa nền kiến trúc Á - Âu như kiến trúc Pháp, La Mã, Thái, Miên và Chàm. Tuy nhiên, kiểu kiến trúc điêu khắc cốt lõi vẫn mang đậm truyền thống của người Việt. Được xây dựng theo hình dáng chữ Quốc của Hán tự - Ngôi chùa gồm có bốn hạng mục nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu), có diện tích 14.000m², dài 70m, rộng 20m, vách tường xung quanh được xây bằng xi măng, toàn bộ cột được làm bằng gỗ quý, nền đúc cao 1m. Riêng mặt trước của tiền đường thì được xây dựng theo lối kiến trúc hài hòa Âu – Á với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Đi vào bên trong ta sẽ thấy một màu vàng óng ánh được thếp trên các hình chạm, trên các tượng Phật.   Đáng

chú ý hơn cả là những đôi long trụ trong ngôi chánh điện, đó là những cây cột tròn to, bằng gỗ quý kiến trúc theo kiểu "thượng thu hạ cách".

 

Bên trong Chánh điện

Bên trong chùa có nhiều bao lam, hoành phi và câu đối cẩn bằng miếng chai nổi màu sắc óng ánh trông rất đẹp. Các bao lam được chạm trổ công phu, tinh tế, điển hình là bộ bao lam Bát tiên kỵ thú đặt ở gian giữa. Phía trước chùa Vĩnh Tràng có hai cổng tam quan kiểu võ quy mô và tráng lệ, được xây vào năm 1933 theo lối kiến trúc cổ lầu. Điểm đặc biệt của cổng tam quan này là ở nghệ thuật ghép những mảnh sành sứ có để minh họa cho lịch sử nhà Phật với đủ hình dáng của long, lân, quy, phượng, ngư, tiều, canh, mục, chim hoa và các điển tích phật giáo... vô cùng ấn tượng và đặc sắc.

 

Cổng Tam quan phía trước Chùa

 

Phía trong gian chính điện và nhà tổ làm theo kiểu Trung Quốc nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc Việt Nam, nối hai gian này là một khoảng nhỏ có hòn non bộ ở giữa, hòn non bộ này phác họa lại cảnh thiên nhiên sinh động mang bản sắc Việt Nam. Đứng trên hòn non bộ nhìn về mặt sau gian chánh điện, hai bên nhà cầu, mặt trước nhà tổ, ta sẽ thấy lối kiến trúc Rôma với những hàng đá hoa màu sắc sặc sỡ của Pháp được trang trí trên thành nóc, trên những cột xây bằng xi măng kiểu cách.

 

Hòn non bộ nối giữa hai gian Chánh điện và nhà Tổ

 

Chùa còn bảo tồn 60 tượng quý, được tạo tác bằng đồng, gỗ, đất nung; và tất cả đều được thếp vàng rực rỡ; trong đó có giá trị nghệ thuật nhất là bộ tượng mười tám vị La hán nằm ở hai bên tường chánh điện được tạc từ gỗ mít vào đầu thế kỷ 20, mỗi tượng cao khoảng 0,8m, bề ngang gối là 0,58m. Mỗi vị La Hán cưỡi trên lưng một con mãnh thú, tay cầm bửu bối, tượng trưng cho các giác quan mà giáo lý nhà phật gọi là “lục căn” (mắt, tai, miệng, mũi, thân và ý, ở ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai).

Bộ tượng các vị La hán nằm ở hai bên tường chánh điện

 

Chùa có 3 tượng đồng (Di Đà, cao 98cm, Quan Âm và Thế Chí cao 93cm) được tạo tác giữa thế kỷ 19; bảy bộ bao lam tuyệt đẹp thếp vàng chạm hình Bát tiên, thần Mặt trời và thần Mặt trăng, do các nghệ nhân địa phương chạm trổ công phu vào khoảng 1907-1908. Ngoài ra, còn có chiếc đại hồng chung mang tên Pháp Bảo Chuông cao 1,2m, nặng khoảng 150kg được đúc giữa tháng 5 năm 1854 trên thân có khắc chữ "Vĩnh Trường Tự". Rất tiếc là chuông không còn sử dụng được vì nằm lâu dưới nước trong thời gian bị thất lạc.

Trong chùa hiện nay còn hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị. Tuy ảnh hưởng tranh vẽ Trung Quốc nhưng những bức vẽ này mang đậm nét dân gian Việt Nam, in hình "mai, lan, cúc, trúc", hình phong cảnh Việt Nam rất nên thơ..

Phía trong Nhà Tổ, ngoài những hàng cột với những cây gỗ quý, ở mỗi gian đều có gắn bao lam chạm trổ rất công phu, những câu liễng đối được viết bằng chữ Hán rất đẹp. Phía trước nhà Tổ là trai đường thờ Bồ tát Chuẩn đề; bên trong là ban thờ chư Hòa thượng tiền bối trụ trì và tu tập tại Chùa.

 

Bên trong nhà Tổ

Từ khi đảm nhận chức vụ Trưởng Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang, cũng là Trưởng Ban quản trị chùa Vĩnh Tràng, Hòa thượng Thích Huệ Minh đã từng bước kiến tạo lại khuôn viên ngôi cổ tự này ngày một khang trang.Từ năm 2007- 2009, hòa thượng cho xây dựng công viên Di Đà nơi mãnh đất phía trước chùa vốn đã nhiều năm bị bỏ hoang; tôn tạo pho tượng Phật A Di Đà cao 24m (bệ 6m, tượng 18m), đến năm 2008 thì hoàn thành, làm tăng thêm vẽ mỹ quan, thoáng mát mặt tiền ngôi chùa thêm cổ kính.

Tháng giêng năm 2009, hòa thượng tiếp tục xin phép xây dựng công viên Di Lặc trên diện tích 5.000m2, thiết kế Tôn tượng đức Phật Di Lặc với chiều dài 27m, chiều rộng 18m và chiều cao 20m. Mặt bằng phía dưới Tôn tượng được thiết kế như ngôi nhà gồm một tầng trệt và một tầng  lầu. Tầng trệt được dùng làm phòng họp, phòng tiếp khách của Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 5 phòng nghỉ dành cho khách Tăng.

Năm 2012, để tạo thêm khung cảnh uy nghiêm phía sau chùa, Hòa thượng Thích Huệ Minh tiến hành xây dựng tượng Phật Thích Ca Niết Bàn với phần đế tượng: dài 35m, cao 7m, ngang 18m. Phần thân tượng Phật cao 10m. Công trình hoàn thành vào ngày 26/3/2013.

 

Tượng Phật Di Lặc và tượng Phật Thích Ca Niết Bàn trông rất uy nghiêm

Hòa thượng Thích Huệ Minh cho biết, việc chỉnh trang, nâng cấp mở rộng quần thể chùa Vĩnh Tràng không chỉ để phục vụ cho việc tu học, sinh hoạt Phật  giáo của chư công đức, tăng ni và đồng bào phật tử, phục vụ khách tham quan mà còn góp phần làm cho thành phố Mỹ Tho xứng tầm là đô thị loại I – và chùa Vĩnh Tràng xứng đáng là điểm Du lịch văn hóa tâm linh do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam công nhận.        

 

Kim Loan