Hầm bí mật - Nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1967-1968)
28/03/2019

Hầm bí mật tại nhà ông Nguyễn Văn Toan (Ba Toan) tổ 4, ấp 3A, xã Đạo Thạnh thuộc loại hình di tích ghi dấu lịch sử cách mạng kháng chiến. Đây là loại hầm ra đời và phổ biến ở chiến trường Mỹ Tho trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được xây dựng phía sau nhà làm cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Di tích lịch sử - văn hoá: HẦM BÍ MẬT - NƠI NUÔI GIẤU CÁN BỘ CÁCH MẠNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1967-1968)

..............................

 

Hầm bí mật tại nhà ông Nguyễn Văn Toan (Ba Toan) tổ 4, ấp 3A, xã Đạo Thạnh thuộc loại hình di tích ghi dấu lịch sử cách mạng kháng chiến. Đây là loại hầm ra đời và phổ biến ở chiến trường Mỹ Tho trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được xây dựng phía sau nhà làm cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Hầm bí mật tại nhà ông Nguyễn Văn Toan (Ba Toan), tổ 4, ấp 3A, xã Đạo Thạnh nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho (tỉnh lỵ Tiền Giang) khoảng 03km về hướng Đông Bắc, trong khu vực dân cư nên đường đi đến di tích bằng ô tô rất thuận tiện.

Từ ngã ba Trung Lương theo quốc lộ 50 đi về hướng Gò Công đến ngã 5 xã Đạo Thạnh 02km rẽ phải vào đường huyện 92 đi  khoảng 01km rẽ phải vào bia lưu niệm Căn cứ Thành ủy Mỹ Tho khoảng 100m rẽ trái vào đường bê tông đối diện bia lưu niệm căn cứ Thành ủy Mỹ Tho 100m là đến di tích (nhà ông Nguyễn Văn Toan sinh năm 1945

 

Hầm bí mật tại nhà ông Nguyễn Văn Toan (Ba Toan), ấp 3A, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho – nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng (1967-1968) (trùng tu lại năm 1994)

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1965-1975, xã Đạo Thạnh, thành Phố Mỹ Tho là nơi có phong trào cách mạng của quần chúng rất mạnh mẽ, có địa hình lợi thế cho xây dựng căn cứ lãnh đạo kháng chiến. Xã có địa hình lợi thế đường sông cũng như đường bộ, trở thành trạm dừng chân trạm trung chuyển thư từ, tài liệu của Xứ ủy và Trung ương cục miền Nam, xã là nơi đóng của căn cứ Thành ủy, Thành đội, Quân y Thành đội Mỹ Tho, căn cứ Y4 Sài Gòn – Gia Định, nơi tạm dừng trú quân của Chiến đoàn 1, Chiến đoàn 2, Bộ tư lệnh tiền phương Quân khu 2, Trung đoàn 88, Trung đoàn 24 - Quân khu 2, Đại đội 207, các Tiểu đoàn 261, 261A, 261B, 514, 267... Đây cũng là nơi trực tiếp xây dựng và bảo vệ căn cứ Thành ủy. (Hiện tại xã có di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh: Căn cứ Thành ủy Mỹ Tho và Thành đội Mỹ Tho).

Bên trong hầm bí mật –nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng tại nhà ông Ba Toan (trùng tu lại năm 1994)

          Để chuẩn bị mọi mặt cho đợt tổng công kích tiến tới tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định trong “Chiến tranh cục bộ”, Hội nghị Khu ủy Khu 8 (tháng 6-1967) đã chọn TP. Mỹ Tho làm trọng điểm tấn công, vì đây là cơ quan đầu não bộ máy chiến tranh của địch trên địa bàn Khu 8.

Từ những nhiệm vụ cấp bách, Thành ủy Mỹ Tho đã đề ra phương hướng hoạt động là vừa tấn công vừa xây dựng cơ sở để tấn công, tổ chức đến đâu thì hoạt động đến đó, để trong 3 tháng hoàn thành việc chuẩn bị thế và lực cho kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa.

          Căn cứ vào tình hình thực tế, do địa hình ven đô nên ta phải hết sức khôn khéo để không bị lộ lực lượng và làm cho địch không phán đoán được ý đồ chiến lược của ta. Ta thực hiện phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, đèn không để lọt ánh sáng ra bên ngoài” là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy và các lực lượng vũ trang, đoàn thể quần chúng nội, ngoại ô thành phố Mỹ Tho. Để thực hiện nhiệm vụ trên, Thành ủy Mỹ Tho đã chỉ đạo chia thành phố thành 4 khu trong nội ô và các xã ven gồm: Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Trung An, Tân Mỹ Chánh. Vì yêu cầu phải giữ bí mật nên ta tránh đụng đầu trực tiếp với địch, phải lách, né, nên đã tổ chức xây dựng các cụm hầm bí mật tại vườn, nhà của nhân dân ở ven đô. Hầm bí mật tại nhà ông Nguyễn Văn Toan tổ 4, ấp 3A, xã Đạo Thạnh cũng được xây dựng trong giai đoạn này (1967). Đây là cơ sở nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng như: ông Nguyễn Thanh Hà (Mười Hà) – Bí thư Thành ủy Mỹ Tho, ông Phạm Công Hưng (Tám Hưng) – Phó Bí thư Thành ủy Mỹ Tho, ông Ba Thế, ông Tư Triều, ông Sáu Tường, bà Ba Thưởng...đã từng ở đây lãnh chỉ đạo phong trào cách mạng.

Nắp hầm bằng những thân cây dừa được phục chế lại bằng chất liệu bê tông cốt thép (trùng tu lại năm 1994)

Hầm bí mật ra đời ở chiến trường Mỹ Tho – Gò Công thời kháng chiến chống Pháp và phát triển phổ biến trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Với nhiều loại hầm thiết kế rất tinh vi trên mặt đất, trong nhà ở, ngoài vườn, ruộng...Đối với hầm trong lòng đất tùy theo địa hình mà chọn điểm đào. Khó nhất là loại hầm đào trong nhà, những nơi như gầm giường, bếp, giữa nhà. Phương châm là đào ở đâu để địch không thể phát hiện đồng thời bảo đảm an toàn cho người ở dưới hầm khi địch càn quét.

          Hình dáng của hầm đủ kiểu: hình chữ V, L, hoặc sử dụng lu chứa nước, thùng phuy...để làm hầm.     Vào giai đoạn đầu kháng chiến chống Mỹ hầm bí mật là phương tiện phổ biến để chôn giấu vũ khí, tài liệu đồng thời giúp cho cán bộ cách mạng ẩn núp trong lúc địch ruồng bố. Về sau, chiến tranh càng ác liệt hầm bí mật còn sử dụng trong trường hợp chiến đấu trực diện với địch với lối đánh bất ngờ. Vùng Mỹ Tho vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ có rất nhiều kiểu hầm bí mật, nhưng phổ biến là loại hầm dùng để trú ẩn dài ngày, đào sâu, kiên cố và loại hầm chỉ để đối phó trong trường hợp bất khả kháng.

          Hầm bí mật tại nhà ông Ba Toan khi mới xây dựng là loại hầm trú ẩn dài ngày dành cho nhiều người trú ẩn được xây dựng theo khối chữ nhật, trước đây, được đắp bằng đất có kích thước: dài 4m, rộng 3m. Độ sâu âm dưới mặt đất 1,5m, chiều cao từ mặt đất lên (phần trên) 1,75m, dáng hình thang. Nắp hầm là những thân cây dừa đậy rất chắc chắn, trên nắp được ngụy trang kỹ.

          Theo lời kể của ông Ba Toan, hầm chứa được 5-6 người trú ẩn. Sau khi các cán bộ Thành ủy Mỹ Tho dời địa điểm đứng chân tại Đạo Thạnh về Quới Sơn (Bến Tre) giữa năm 1969, hệ thống các hầm bí mật tại nhà, vườn ông là nơi gia đình ông và lực lượng vũ trang địa phương bám trụ thường xuyên sử dụng trú ẩn khi địch pháo kích. (Hiện nay các hầm làm bằng lu nước trong vườn ông không còn nguyên hiện trạng, chỉ còn địa điểm). Năm 1994, hầm bí mật được trùng tu lại bằng chất liệu xi măng, được gia đình và chính quyền địa phương quan tâm chăm sóc hiện trạng còn khá tốt.

Cửa thoát quay ra vườn của hầm bí mật nhà ông Ba Toan (trùng tu lại năm 1994)

Hầm bí mật tại nhà ông Ba Toan, ấp 3A, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang có ý ghĩa lịch sử quan trọng đối với quân và dân thành phố Mỹ Tho nói riêng và tỉnh Tiền Giang  nói chung. Hầm bí mật là cơ sở nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng, góp phần xây dựng vành đai an toàn xung quanh thành phố, phục vụ chiến đấu trở thành một trong những biểu trưng về nghệ thuật quân sự của Việt Nam. Hiện nay, hầm tại nhà, các địa điểm hầm bí mật ở vườn ông Ba Toan đang được thành phố tiến hành đầu tư trùng tu, tôn tạo để làm nơi giáo dục truyền thống của địa phương. Hầm bí mật vừa được UBND tỉnh Tiền Giang ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Tỉnh vào tháng 12/2018./.

 

                                                                              Kim Loan